Tứ Phủ là một nhánh của Đạo Mẫu, đạo thờ đa thần bản địa của Việt Nam, tập trung vào các nữ thần và mẫu thần. Dự án Thánh Nhan Tứ Phủ là dự án vẽ lại chân dung các vị thánh và thần trong Tứ Phủ do Page Four Palaces – Tứ Phủ khởi xướng và được sự tham gia của các họa sĩ trẻ. Các tác phẩm có sự giao thoa giữa chất liệu văn hóa lịch sử, tín ngưỡng dân gian vừa mang hơi thở hiện đại trong cách thể hiện và đường nét.
MẪU ĐỆ NHẤT THIÊN TIÊN
Bức tranh khắc hoạ chân dung Mẫu Thiên Tiên, vẽ bởi họa sĩ Lunae Lumen (artstation.com/veelunae), theo phong cách ảnh hưởng từ Art-Nouveau kết hợp với những đặc điểm nổi bật khác trong tranh dân gian Việt Nam. Tông màu chủ đạo là màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ.
Vì Mẫu quản cai Thiên phủ, bức tranh cũng được thể hiện với các biểu tượng thiên thể. Hai bên Mẫu là biểu tượng mặt trời vàng và mặt trăng bạc. Chuôi quạt lông phượng Mẫu cầm có gắn chuỗi ngọc chòm sao Bắc Đẩu, quạt có dáng lá bồ đề. Mẫu ngự trên toà mây ngũ sắc, tô màu theo lối tranh Hàng Trống.
Cửa võng chạm khắc lưỡng long chầu Pháp Luân. Pháp luân, một trong tám biểu tượng tốt lành của Phật giáo, trong bức tranh này được tạo tác từ xích trân châu. Xích trân châu cũng là một trong thất bảo nhà Phật. Hai bên cửa võng là cặp hạc ngậm hoa sen. Khung cửa võng được tham khảo từ ảnh chụp một ban thờ cổ. Trang phục của Mẫu theo phong cách Lê triều, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng là Giao Lĩnh (vạt chéo). Lớp giữa là Viên Lĩnh (cổ tròn) và Thường buộc bằng dây thao tơ vàng. Lớp ngoài cùng là Đối Khâm (vạt song song), phần vai áo phủ ren vàng hoạ tiết hoa sen.
Mũ miện Mẫu đội lấy cảm hứng một bức tượng cổ. Phần tua hai bên mũ đính Cát Tường Kết từ ngọc đỏ. Đây cũng là một trong tám biểu tượng phúc lành nhà Phật.
MẪU THƯỢNG NGÀN
Bức tranh khắc hoạ chân dung Mẫu Thượng Ngàn, vẽ bởi họa sĩ Lunae Lumen (artstation.com/veelunae) , theo phong cách ảnh hưởng từ Art-Nouveau kết hợp với những đặc điểm nổi bật khác trong tranh dân gian Việt Nam. Tông màu chủ đạo là màu xanh lá tượng trưng cho Nhạc Phủ.
Vì Mẫu quản cai Nhạc Phủ, bức tranh thể hiện phong cảnh núi non đất nước, cụ thể là những mảnh ruộng bậc thang. Những quả núi đủ màu gợi đến hình ảnh những đụn ngũ cốc dồi dào, phong phú. Hai bên Mẫu là những giò hoa Bạch Hoả Hoàng, một loài lan quý hiếm bản địa của vùng núi phía Bắc.
Chiếc quạt Mẫu cầm trong tay làm từ những phiến lá rừng trong suốt. Ý tưởng về chiếc quạt này đến từ những chiếc nón lá bàng rừng của cụ nghệ nhân Võ Ngọc Hùng. Về dáng quạt, dự án tham khảo đôi quạt ngà voi lưu giữ tại đền Cao Sơn, Thanh Hoá; một hiện vật có lẽ thuộc thời Lý. Phiến quạt được trang trí theo lối châm kim, theo hoa văn voi trên gốm men lam thời Lê.
Vòm gỗ phía trên có cấu trúc tương tự một khung cửa ban thờ của một điện Tứ Phủ. Trên khung khắc đôi chim phượng chầu về Bảo Bình, một trong bát bảo Phật giáo. Hoa văn chim phượng này ở trên tấm bia có lẽ ở thời Lê, hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phần còn lại của khung gỗ chạm khắc hoa lá, gợi hình ảnh động Sơn Trang. Trên vòm khung rũ xuống những tua rua ngũ sắc tượng trưng cho Ngũ Hành.
CHẦU ĐỆ NHẤT THƯỢNG THIÊN
Bức tranh khắc hoạ chân dung Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên, vẽ bởi họa sĩ Camelia Pham (https://www.facebook.com/cameliapham95)
Tông màu chủ đạo là màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ.
Vì Chầu Đệ Nhất hầu Mẫu trong Thiên phủ, bức tranh cũng được thể hiện với các biểu tượng thiên thể. Hai bên tay ghế Chầu ngồi là biểu tượng mặt trời và mặt trăng. Phía dưới là lớp mây.
Trong bức tranh Chầu đang biên chép, quản lý sổ Tam Toà. Trang phục của Chầu theo phong cách Lê triều, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng và lớp giữa là Giao Lĩnh (vạt chéo). Lớp ngoài cùng là Viên Lĩnh (cổ tròn). Chầu đeo dây chuyền kết từ hạt kỳ nam, mặt dây là hoa sen cánh lam ngọc nhuỵ vàng. Tay phải đeo vòng lam ngọc, tay trái cầm tràng hạt kỳ nam. Màu lam đôi khi cũng được xem là màu của Thiên Phủ.
Mũ miện Chầu đội lấy cảm hứng từ tranh Tứ Phủ của Hàng Trống. Chầu choàng chiếc mạng đỏ, vốn là món y phục các thanh đồng hay đội khi hầu giá Chầu.
CHẦU ĐỆ NHỊ THƯỢNG NGÀN
Bức tranh do Camelia Pham (https://www.facebook.com/cameliapham95) thực hiện cho dự án Thánh Nhan Tứ Phủ là tác phẩm tái hiện Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Màu sắc chủ đạo là xanh lá, bởi đây là màu đại diện cho Nhạc Phủ. Bên cạnh đó là các sắc tím và chàm vì những màu này cũng thường gắn liền với các vị Thánh thượng ngàn.
Vì Chầu Đệ Nhị hầu cận bên Mẫu Thượng Ngàn, bối cảnh trong tranh là khung cảnh núi rừng Việt Nam. Dây leo xanh rờn quấn quanh ghế Chầu ngồi, hai cột đằng cũng trang trí hoa văn thực vật.
Chầu cầm ba cây mồi trong tay, gợi lại huyền tích năm xưa đã dẫn đường cho quân của Lê Lợi băng rừng vượt núi giữa đêm khuya. Ánh lửa dẫn đường ấy không hiểu vì sao mà giặc Minh không thể nhìn thấy được. Vì lẽ đó mà chúng tôi vẽ đôi mắt Chầu đang khép lại, nhìn ánh lửa soi sáng bằng chân tâm thay vì mắt thường.
Tay trái Chầu cầm khăn phủ diện, gợi đến hình ảnh Chầu sang khăn sẻ bóng cho tân đồng. Trang phục này vẽ theo lối nhà Lê, gồm có ba lớp. Lớp trong cùng và lớp giữa là Giao Lĩnh, lớp ngoài cùng là Viên Lĩnh.
Chầu đội khăn buồm, món phục trang mà các thanh đồng hay đội khi hầu giá Chầu Đệ Nhị. Chiếc khăn này chúng tôi phỏng theo khăn của cụ đồng Lưu Ngọc Đức. Chầu đeo chiếc kiềng bạc theo kiểu trang sức của các dân tộc miền núi phía Bắc nước ta. Điểm xuyết hai bên là hai viên thạch anh tím.
CHẦU ĐỆ TAM THOẢI PHỦ
Bức tranh tiếp theo Camelia Pham (https://www.facebook.com/cameliapham95) thực hiện cho dự án Thánh Nhan Tứ Phủ là tác phẩm tái hiện Chầu Đệ Tam Thoải Phủ. Màu sắc chủ đạo là màu trắng, bởi đây là màu đại diện cho Thoải Phủ.
Vì Chầu Đệ Tam hầu cận bên Mẫu Đệ Tam nơi Thoải Phủ, bối cảnh trong tranh là những ngọn sóng bạc đầu dâng cao. Quanh ghế Chầu ngồi là những luồng nước chảy không ngừng.
Chầu đang rót thuốc từ chiếc bình san hô trắng vào chén ngọc được sóng nâng trên tay. Trang phục của Chầu Đệ Tam mặc theo lối nhà Lê, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng và ở giữa là áo Giao Lĩnh cổ chéo. Lớp ngoài cùng là Viên Lĩnh cổ tròn. Chầu đeo hoa tai ngọc bích xanh, trên cổ tay là tràng hạt ngọc trai trắng
Chiếc khăn phủ phê dưới mũ miện bằng ngọc bích xanh và san hô đỏ. Chiếc khăn màu trắng, dệt hoạ tiết sóng cuộn và đính những tua ngọc trai rũ xuống.
Chi tiết chiếc khăn che một phần gương mặt Chầu được lấy cảm hứng từ một bản ghi hình buổi hướng dẫn khăn áo hầu bóng tổ chức bởi Diễn đàn Hát Văn Việt Nam.
CÔ ĐỆ NHẤT THƯỢNG THIÊN
Đây là bức tranh được thực hiện bởi hoạ sĩ Tree (https://www.facebook.com/treexanh/) hoạ chân dung Cô Đệ Nhất Thượng Thiên. Vì Cô Đệ Nhất thuộc về Thiên Phủ, y phục Cô mặc sẽ là màu đỏ (màu đại diện Thiên Phủ), nền tranh cũng vì thế mà khắc hoạ trời mây.
Bức tranh vẽ Cô đang tay biên tay chép, tương ứng với nhiệm vụ của Cô. Phục trang trong tranh là theo lối nhà Nguyễn. Cô mặc áo Tấc đỏ thêu đoá mây kim tuyến, phối với thường đen. Tóc Cô quấn khăn vành dây.
Cô đeo kiềng vàng chạm hoa, bông tai vàng hình hoa cúc và vòng tay bằng ngọc. Trên ngực áo còn có ngọc bội màu thiên thanh (bên cạnh đỏ thì thiên thanh đôi lúc cũng được xem là màu biểu tượng của Thiên Phủ). Ngọc bội vốn là món phụ kiện hay đeo ở nửa thân trên.
Trong bức tranh này, ngọc bội Cô đeo là được ban tặng để tưởng thưởng cho công lao của Cô. Khối ngọc bầu dục màu thiên thanh được nối với chiếc khánh nhỏ bằng vàng. Dưới cùng là phần kết hạt cườm bằng ngọc trai và san hô đỏ.
CÔ ĐÔI THƯỢNG NGÀN
Bức tranh thứ do họa sĩ Tree (https://www.facebook.com/treexanh/) vẽ cho dự án Thánh Nhan Tứ Phủ, họa lại hình dung Cô Đôi Thượng Ngàn. Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá với khung cảnh núi non, những hình tượng tiêu biểu của Nhạc Phủ
Vì Cô Đôi Thượng Ngàn là Thánh Cô thuộc Nhạc Phủ nên trang phục của Cô chủ yếu là màu xanh lá cây (màu đại diện của Nhạc Phủ). Bộ trang phục này được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của dân tộc Mường, vì trong thần tích có kể Cô từng giáng sinh trong một gia đình người Mường.
Tay Cô nâng chiếc khay vàng đầy ắp lộc Sơn Lâm Sơn Trang. Trên mâm là những hoa trái quen thuộc với người Việt như trầu cau, phật thủ, đào, cam, hoa cúc, hoa nhài, hoa hồng, cây lúa. Tay còn lại Cô giữ chiếc tráp gỗ khắc phong cảnh núi non. Chiếc tráp tượng trưng cho kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang luôn tràn đầy. Cô Đôi là thủ kho, ban tài tiếp lộc cho những ai xứng đáng.
Trang phục của Cô lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường*, bao gồm áo yếm màu xanh ngọc, váy quấn màu đen với dải thổ cẩm sặc sỡ che trước ngực, áo choàng trắng, dải khăn xanh buộc ngang hông và áo Đối Khâm màu xanh lá đậm thêu hoa văn kim tuyến.
Tóc Cô buộc trong chiếc khăn duyên, cũng là món phụ kiện quen thuộc của phụ nữ Mường. Chân Cô mang hài nhung xanh lá thêu hoa. Tay Cô đeo vòng ngà voi có khớp bạc, tay còn lại đeo chiếc nhẫn ngọc bích. Cô có đôi khuyên tai bạc theo kiểu khuyên tai điển hình của các dân tộc miền núi phía Bắc. Cổ đeo chiếc kiềng bạc, hai đầu gắn lục lạc và cặp ngọc khánh.
CÔ BƠ THOẢI CUNG
Bức tranh thứ ba họa sĩ Tree (https://www.facebook.com/treexanh/) vẽ cho dự án Thánh Nhan, họa lại Cô Bơ Thoải Cung trong hình dung Cô chèo thuyền đi thăm thú giang sơn.
Vì Cô Bơ là Thánh Cô thuộc Thoải Phủ nên y phục của Cô có tông màu chủ đạo là màu trắng (màu đại diện của Thoải Phủ).
Bức tranh hoạ Cô Bơ mặc áo Lập Lĩnh trắng, khoác áo Đối Khâm chuyển sắc hồng, đeo dây chuyền bán thân và hoa tai vàng đính san hô đỏ. Có dải lụa hồng Cô dùng đo sóng nước gió mây. Tóc Cô vấn khăn lươn; đầu đội nón quai thao trắng, mạng ngọc trai viên theo vành nón.
ÔNG HOÀNG MƯỜI
Bức tranh này thực hiện bởi hoạ sĩ tài năng Phan Kim Thanh (#Alzheimer13) với một tạo hình khá mới đối với hình dung về Thánh Hoàng Mười.
- Nguồn hình ảnh và thông tin: Four Palaces – Tứ Phủ
Trang phục trong tranh dự án đa phần được tham khảo từ sách Dệt Nên Triều Đại của Vietnam Centre. Hoa văn trong dự án đa phần là thời nhà Lê, sử dụng từ bộ vector được dự án Hoa Văn Đại Việt cung cấp miễn phí.
(Ban nội dung D-Open)