Miyazaki và Takahata hành trình gian khổ xây dựng đế chế hoạt hình Ghibli
July 8, 2020

Từ những người hoạ sĩ vẽ thuê…

Miyazaki và Takahata được biết đến là hai huyền thoại của Nhật Bản. Nhưng tại thời điểm bắt đầu, Miyazaki và Takahata từng có nhiều năm làm hoạ sĩ vẽ thuê tại Toei – một hãng phim hoạt hình mang đậm tính công nghiệp.

Sau một thời gian vất vả cống hiến, Takahata được chọn làm đạo diễn cho bộ phim Horus: Prince of the Sun (1968) còn Miyazaki là hoạ sĩ thiết kế. Bằng bàn đạp này, Takahata và Miyazaki quyết định rời Toei để thực hiện giấc mơ của riêng mình.

Hayao Miyazaki
Isao Takahata

…Đến hãng hoạt hình mang đậm tính cá nhân

Thời gian đầu rời hãng, cả hai hoạt động trong những nhóm nhỏ và nhận công việc vẽ phim hoạt hình series chiếu trên Tivi, thậm chí Miyazaki còn phải đi vẽ cả truyện tranh để sống qua ngày. May mắn, vào thời điểm đó, tác phẩm truyện tranh của Miyazaki trở nên nổi tiếng và được đề nghị chuyển thể thành phim điện ảnh Công Chúa Của Thung Lũng Gió (1984).

Sự thành công của Công Chúa Thung Lũng Gió giúp Miyazaki và Takahata nhận được khoản tài trợ khổng lồ. Số tiền này đã giúp cả hai thành lập Ghibli, mang ý nghĩa là “làn gió mới”. Với cái tên này, Miyazaki và Takahata muốn thổi một làn gió diệu kì vào nền hoạt hình Nhật Bản.

Công Chúa Của Thung Lũng Gió (1984)

Sự hoà hợp giữa hai tâm hồn nghệ thuật

Miyazaki là một “nhà tưởng tượng”, còn Takahata là một “nhà thơ”. Những phim của Miyazaki thường thắng về mặt thương mại, song phim của Takahata lại đậm chất nghệ thuật hơn hết. Miyazaki cực kì hứng thú với yếu tố kì ảo, trong khi đó, Takahata lại trung thành với những chi tiết đến từ hiện thực cuộc sống. Miyazaki giúp phim của Takahata trở nên vui vẻ và bay bổng hơn, còn Takahata lại níu Miyazaki quay về với thực tại.

Trong một bài phát biểu của mình, Miyazaki đã nói: “Nếu không có Takahata thì tôi sẽ mãi mãi bay lượn trên bầu trời với những chiếc máy bay của mình, chứ chẳng bao giờ chịu hạ cánh”. Trong suốt năm tháng cùng nhau vẽ nên những bộ phim kì diệu, cả hai đã cùng thăng hoa và cùng làm nên tên tuổi của Ghibli.

Cuộc du hành vào thế giới hoạt hình cuối cùng của Takahata

Với niềm đam mê hoạt hình, Takahata đã vẽ đến những giây phút cuối của cuộc đời mình. Ngày 5 tháng 4 năm 2018, cả thế giới nghiêng đầu tưởng nhớ biên kịch, đạo diễn, nhà làm phim hoạt hình huyền thoại Takahata về với cõi vĩnh hằng. Nhớ về Takahata, người hâm mộ nhớ về khúc hát tiễn đưa công chúa Kaguya trở về với mặt trăng – đó là một khúc hát của niềm vui và hạnh phúc. Công chúa Kaguya (2013) cũng là phim hoạt hình điện ảnh cuối cùng mà Takahata tham gia với vai trò đạo diễn. Đó cũng là tác phẩm đẹp nhất, thơ nhất để kết thúc hành trình rực rỡ của ông.

Công chúa Kaguya (2013)

Bộ phim cuối cùng của Miyazaki

Sau khi Takahata qua đời, ít lâu sau, Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi 72 mà không có người kế nghiệm. Người hâm mộ một lần nữa tiếc thương về vận mệnh của hãng phim hoạt hình huyền thoại một thời. Song đến năm 2017, Ghibli thông báo sẽ hoạt động trở lại, và cùng với Miyazaki thực hiện phim hoạt hình cuối cùng. Thông tin này khiến trái tim của những độc giả trung thành của Ghibli trên toàn thế giới thổn thức, bởi với họ, Ghibli không chỉ là một hãng phim, đó là một làn gió kì diệu, là tuổi thơ, tương lai, và là một huyền thoại bất diệt.

Ban nội dung D-Open

You might also like